Top 10 loại thực phẩm tốt nhất giúp kiểm soát bệnh tiểu đường
Bệnh tiểu đường - đặc biệt là tiểu đường type 2 ngày càng phổ biến tại Việt Nam cũng như trên toàn thế giới. Ngoài thuốc điều trị, chế độ ăn uống hợp lý là một trong những yếu tố quan trọng bậc nhất giúp người bệnh kiểm soát đường huyết hiệu quả, hạn chế biến chứng và nâng cao chất lượng sống.
Một chế độ ăn lành mạnh cho người tiểu đường không chỉ đòi hỏi kiểm soát lượng carbohydrate mà còn phải lựa chọn thực phẩm giúp tăng cường độ nhạy insulin, giảm viêm, bảo vệ tim mạch và cân bằng chuyển hóa.
Dưới đây là 10 loại thực phẩm được các chuyên gia nội tiết, dinh dưỡng và nhiều nghiên cứu lâm sàng khuyến nghị dành cho người mắc bệnh tiểu đường.
1. Bông cải xanh
Bông cải xanh là một trong những loại rau có hàm lượng chất chống oxy hóa cao, đặc biệt là sulforaphane – hợp chất có khả năng ức chế sự sản sinh glucose tại gan và giảm stress oxy hóa.

Bông cải xanh rất tốt trong việc hỗ trợ giảm đường huyết ở người bệnh tiểu đường type 2
Nhiều nghiên cứu cho thấy, bông cải xanh có thể hỗ trợ làm giảm đường huyết ở người bị tiểu đường type 2. Ngoài ra, đây là loại thực phẩm ít calo, ít tinh bột, phù hợp trong mọi khẩu phần ăn kiêng.
Cách dùng: dùng nấu các món ăn hàng ngày như luộc hay xào qua với dầu oliu. Tránh nấu quá chín để bảo toàn hoạt chất sinh học.
2. Yến mạch nguyên cám
Yến mạch chứa hàm lượng beta glucan cao. Đây là một loại chất xơ hòa tan giúp làm chậm hấp thu glucose và tăng độ nhạy insulin.

Yến mạch nguyên cám là lựa chọn tuyệt vời cho một bữa sáng
Một bữa sáng với yến mạch không đường có thể giúp người tiểu đường duy trì mức đường huyết ổn định suốt buổi sáng và giảm cảm giác thèm ăn.
Cách dùng: nấu yến mạch cùng nước, có thể thêm quế, hạt chia, hoặc vài lát chuối xanh luộc để tăng cường hiệu quả kiểm soát đường huyết.
3. Các loại cá béo
Các loại cá như cá hồi, cá thu, cá mòi rất giàu omega-3 (EPA và DHA). Đây là loại acid béo có tác dụng chống viêm, giảm mỡ máu và hỗ trợ kiểm soát glucose máu. Vì vậy cá béo là một thực phẩm tuyệt vời cho người tiểu đường, có nguy cơ hoặc đã mắc các bệnh tim mạch.

Cá béo giàu omega-3 tốt cho tim mạch
Cách dùng: nên chế biến bằng cách hấp, nướng, hoặc áp chảo không dầu.
4. Hạt chia và hạt lanh
Hạt chia và hạt lanh là nguồn chất xơ hòa tan tuyệt vời đồng thời cung cấp chất béo không bão hòa và các hợp chất chống oxy hóa. Đặc biệt, chúng giúp kiểm soát đường huyết sau ăn rất tốt.

Sử dụng hạt chia, hạt lanh cho các bữa ăn nhẹ vừa tăng hương vị vừa tốt cho sức khỏe
Cách dùng: trộn cùng sữa chua không đường, yến mạch,… Lưu ý nên ngâm trước 10 đến 15 phút cho mềm.
5. Đậu lăng và các loại đậu
Đậu lăng và các loại đậu như đậu đỏ, đậu đen,…chứa lượng lớn protein thực vật, chất xơ, sắt và magie giúp cải thiện độ nhạy insulin và ổn định đường huyết.

Đậu lăng và các loại đậu rất tốt cho người bệnh tiểu đường
Ngoài ra, chất xơ trong đậu giúp làm chậm quá trình hấp thu đường, hạn chế tăng đường huyết đột ngột sau bữa ăn.
Cách dùng: nên sử dụng 2–3 lần/tuần trong các món hầm, salad hoặc nấu cháo.
6. Rau xanh đậm
Các loại rau như rau cải bó xôi (spinach), cải xoăn (kale), rau dền… chứa rất ít calo, gần như không có tinh bột, nhưng lại rất giàu vitamin K, magie và chất chống oxy hóa.

Rau xanh có nhiều lợi ích tốt cho sức khỏe
Ngoài tác dụng kiểm soát đường huyết, rau xanh đậm còn giúp cải thiện chức năng thận và ngăn ngừa tổn thương võng mạc ở người bệnh tiểu đường.
Cách dùng: dùng thường xuyên trong bữa ăn chính, có thể nấu canh, luộc, hoặc trộn salad.
7. Quả bơ
Bơ chứa nhiều acid béo không bão hòa đơn (MUFA) giúp cải thiện độ nhạy insulin, giảm mỡ nội tạng và kiểm soát đường huyết hiệu quả hơn.

Bơ - loại quả chứa nhiều acid béo không bão hòa đơn (MUFA)
Một nghiên cứu cho thấy những người ăn bơ đều đặn có mức HbA1c thấp hơn so với người không ăn.
Cách dùng: ăn sống, kết hợp salad hoặc xay sinh tố không đường.
8. Quả mọng
Các loại quả mọng như việt quất, dâu tây, mâm xôi… không chỉ có vị ngọt tự nhiên dễ chịu mà còn chứa nhiều anthocyanin – một chất chống oxy hóa giúp điều hòa chuyển hóa glucose.

Quả mọng rất tốt cho người bị tiểu đường
Hàm lượng chất xơ cao trong các loại quả này cũng giúp kiểm soát đường huyết sau ăn.
Cách dùng: ăn tươi khoảng nửa chén mỗi ngày, không thêm đường hoặc kem.
9. Khoai lang
Khoai lang đặc biệt là loại khoai lang tím hoặc vàng, có chỉ số đường huyết thấp hơn so với khoai tây, lại giàu chất xơ và vitamin A.

Khoai lang có chỉ số đường thấp hơn khoai tây mà lại giàu chất xơ và vitamin A
Nếu ăn đúng cách và đúng liều lượng, khoai lang không chỉ không làm tăng đường huyết quá mức mà còn giúp người bệnh cảm thấy no lâu hơn.
Cách dùng: hấp hoặc luộc, không ăn chiên rán. Khẩu phần hợp lý: 100 - 150g/lần.
10. Quế
Quế có thể giúp tăng độ nhạy insulin và làm giảm đường huyết lúc đói. Ở bệnh nhân tiểu đường type 2 quế có hiệu quả khá tích cực.

Quế là loại gia vị vừa giúp làm tăng mùi vị cho món ăn vừa tốt cho người tiểu đường
Cách dùng: 1/2–1 thìa cà phê mỗi ngày, pha trà hoặc rắc lên cháo, yến mạch.
Kết luận
Kiểm soát bệnh tiểu đường không chỉ là việc dùng thuốc mà còn là quá trình thay đổi lối sống toàn diện, trong đó dinh dưỡng đóng vai trò cốt lõi. Những thực phẩm kể trên không chỉ giúp điều chỉnh đường huyết một cách tự nhiên mà còn góp phần cải thiện sức khỏe tim mạch, chức năng gan, thận và hệ miễn dịch.
Tuy nhiên, cần lưu ý rằng: không có thực phẩm đơn lẻ nào có thể “chữa” được tiểu đường. Việc kết hợp nhiều nhóm thực phẩm lành mạnh, vận động hợp lý, ngủ đủ giấc và tuân thủ điều trị y khoa mới chính là chiến lược kiểm soát bệnh hiệu quả và bền vững.
Vì 1 Việt Nam tươi đẹp - Mong những điều tốt lành đến với người bệnh tiểu đường!
Vì người bệnh tiểu đường thực sự cần - Xin sẵn lòng phụng sự!
CEO Trần Bình - Samhoanglienson.vn